Dù là nữ tỷ phú tự thân thành công nhất trên thế giới nhưng lại có tương đối ít người biết đến Zhou Qunfei. Người phụ nữ này từng bỏ học, là công nhân trong nhà máy và hiện tại cô được biết đến là nhà sáng lập và CEO của Lens Technologies – nhà sản xuất hàng đầu thế giới về màn hình cảm ứng cho những công ty như Apple và Samsung.
Zhou – 45 tuổi lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Trung Quốc, mất mẹ từ khi 5 tuổi, cha gần như bị mù sau một vụ tai nạn. Chính vì vậy, Zhou phải bỏ học khi mới 16 tuổi, trải qua nhiều công việc khác nhau và cuối cùng ra mắt công ty kính tinh lọc của chính mình và IPO vào đầu năm nay.
Zhou hiện nắm khối tài sản khoảng 10 tỷ USD. Dưới đây là những triết lý sống đáng kinh ngạc và truyền cảm hứng cho phụ nữ trên khắp thế giới của Zhou:
Không chấp nhận ít hơn những gì mình muốn
Zhou vốn học rất tốt và có ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Tuy nhiên, cô phải bỏ học năm 16 tuổi và làm việc trong một nhà máy, “làm thấu kính với mức lương 1 USD/ngày”. Zhou đã phải rất vất vả: “Tôi làm việc từ 8h sáng tới 12 giờ trưa và đôi khi đến tận 2 giờ sáng. Tôi không thích thú với công việc này”.
Mặc dù sự thật là Zhou rất cần một công việc để kiếm tiền và có nhiều người xếp hàng dài để được thay thế vị trí của cô nhưng Zhou đã viết đơn xin nghỉ việc sau 3 tháng. Zhou nói rằng dù rất cảm kích vì đã tạo cơ hội cho cô nhưng 3 tháng là quá đủ. Tuy nhiên, thay vì để Zhou nghỉ việc, ông chủ đã thăng chức cho cô. Cuối cùng, sự gan dạ đã giúp Zhou đặt một chân vào con đường giàu có và thành công vượt bậc sau này.
Hiểu rõ công ty mình
Vì khởi đầu là công nhân nhà máy nên Zhou hiểu rất rõ từng quy trình sản xuất lens trước khi thành lập công ty riêng. Thậm chí hiện tại, với lượng công nhân lên tới 60.000 – 80.000 người nhưng Zhou vẫn thường đích thân đi kiểm tra xung quanh nhà máy và quan tâm tới quy trình sản xuất.
“Cô ấy đôi khi ngồi xuống và làm việc như một người giám sát để xem có điều gì sai xót trong quy trình sản xuất không”, một Giám đốc công ty nói. “Điều này khiến tôi lúng túng, nếu có vấn đề gì đó, cô ấy sẽ nói: Tại sao anh không phát hiện ra vấn đề này?”.
Dám đặt cược vào chính mình
Zhou rời nhà máy để mở công ty riêng chỉ với 3.000 USD do tiết kiệm và vay mượn từ người thân. Đây là công ty đầu tiên trong số 11 doanh nghiệp mà Zhou từng thành lập và hầu như cuối cùng đều thất bại. “Tôi từng 2 lần phải bán nhà để trả lương cho nhân viên”, Zhou nói.
Thực tế, mãi đến năm 2003 Zhou mới có cơ hội để tạo nên công ty thành công vượt bậc như ngày nay.
Nói “có” với tất cả các cơ hội
Chuyên môn của Zhou là sản xuất lens cho đồng hồ nhưng nhờ sự phát triển vượt bậc của thế hệ điện thoại thông minh đã tạo ra cơ hội lớn cho cô. Trong năm 2003, Zhou nhận được cuộc điện thoại từ một số công ty di động lớn để sản xuất màn hình điện thoại cho họ. “Tôi đã nhận được một cuộc điện thoại và họ nói chỉ cần phải trả lời ‘có’ hoặc ‘không’. Nếu câu trả lời là ‘có’, họ sẽ giúp tôi trang bị lại dây chuyền sản xuất”.
Làm việc thật chăm chỉ
Có một câu châm ngôn tiếng địa phương ở vùng Hunan, Trung Quốc miêu tả về Zhou là: “ba de man” – tức là một người dám làm mọi thứ mà những người khác e ngại. Tuy nhiên, vẻ ngoài của Zhou lại cho thấy sự kết hợp của óc sáng tạo và sự chăm chỉ.
Trụ sở chính của công ty Zhou được đặt tại một trong những nhà máy sản xuất thuộc Changsha. Trong văn phòng rộng rãi của Zhou, còn có một cánh cửa bước vào căn hộ nhỏ để đảm bảo cô có thể làm việc ở nhà máy cả ngày và đêm.
Công bằng và khiêm tốn
Mặc dù giàu có và thành công nhưng Times miêu tả Zhou là người “duyên dáng và khiêm nhường”. Dù hầu như im lặng trong các cuộc họp nhưng Zhou lại rất thu hút sự chú ý bất cứ khi nào lên tiếng.
“Tôi chưa đủ tư chất để trở thành người nổi tiếng. Tôi nghĩ điều quan trọng là không để bản thân bị sao lãng khi thành công hay quá u buồn khi gặp khó khăn”
Theo Trí Thức Trẻ/Times