Vài tháng trước, hãng Toshiba – biểu tượng công nghệ một thời của Nhật Bản – đã chấp nhận bán mình với giá 15,3 tỷ USD sau một giai đoạn dài chìm trong khó khăn.
Giải pháp độc quyền của Japan Stell Works cho các lò phản ứng hạt nhân.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều nhà sản xuất danh tiếng của xứ sở Phù Tang cũng đang bị các đối thủ trong khu vực lấn lướt. Thời hoàng kim của ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản phải chăng chỉ còn là dĩ vãng?
Thực tế Nhật Bản vẫn còn rất mạnh.
Theo thống kê, cả thế giới hiện đang có hơn 400 lò phản ứng hạt nhân. Hầu hết tất cả các cơ sở này nếu muốn vận hành an toàn (tránh được nguy cơ rò rỉ phóng xạ) đều phải tìm đến giải pháp của một nhà cung cấp duy nhất – Công ty Japan Steel Works tại phía Bắc đảo Hokkaido (Nhật Bản), đơn vị đang nắm độc quyền công nghệ ráp nối những tấm thành lò trị giá cả trăm triệu USD từ một thỏi kim loại duy nhất nặng gần 600 tấn. Không nhiều doanh nghiệp trên thế giới tự tạo dựng được cho mình vị thế độc tôn như thế và số lượng đến từ Nhật Bản lại khá áp đảo. Chúng thường được gọi bằng cái tên chuken kigyo – chỉ những công ty vừa và nhỏ (bé hạt tiêu) nhưng sở hữu năng lực và know-how cực mạnh (Đức cũng có từ mittelstand mang nội hàm tương tự).
Một ví dụ sinh động nữa về đẳng cấp công nghệ Nhật chính là chiếc tụ điện có kích thước chỉ bằng hạt muối với giá thành dao động trong khoảng vài xu (cent), nhưng mỗi thiết bị điện tử lại cần đến hàng trăm hay cả ngàn hạt như vậy. Murata, nhà sản xuất thiết bị tuyệt hảo này, hiện đang chiếm lĩnh hơn 40% thị trường toàn cầu cũng lại là một công ty Nhật. Rất khó để tính toán mức lợi nhuận mà Murata thu được từ những chiếc tụ điện, nhưng tổng lãi sau thuế hằng năm của công ty có thể tương đương với 50% một ngân hàng đầu tư lớn phố Wall.
Chiếc tụ điện của hãng Murata, ví dụ sinh động về sức mạnh công nghệ Nhật.
Theo số liệu do METI (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) công bố, các chuken kigyo của nước này hiện đang đáp ứng gần 70% thị trường toàn cầu trong ít nhất 30 lĩnh vực công nghệ, từ giấy tráng ảnh, bóng phát sáng màn hình cho đến tụ điện sứ nhiều tầng dùng để điều chỉnh dòng điện trên các thiết bị,... Có thể liệt kê một vài cái tên tiêu biểu như Shimano (chiếm thị phần lớn về ghi-đông và bánh răng xe đạp), YKK (phéc-mơ-tuya), Nidec (mô-tơ ổ đĩa cứng và phụ tùng ô-tô), Mabuchi (mô-tơ siêu vi dùng trong gương chiếu hậu ô-tô), Tokyo Electron (thiết bị sản xuất vi mạch, màn hình FPD), Shin-Etsu (PVC, chất cản quang), Nitto Denko (vinyl, chất cách nhiệt),… Trong ngành công nghiệp bán dẫn, TSMC (Đài Loan) hay Samsung (Hàn Quốc) sẽ chẳng thể sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất nếu thiếu thiết bị và vật liệu do các nhà sản xuất Nhật cung cấp. Lấy ví dụ: Lasertec Corp (trụ sở tại Yokohama) hiện là đơn vị duy nhất trên thế giới chế tạo được chiếc máy có khả năng kiểm tra độ chính xác hay sai số của những khuôn EUV trong quy trình quang khắc bán dẫn,...
Trong lúc các đại gia một thời như Sony, Panasonic, Fujitsu, NEC,... đã đánh mất rất nhiều thị phần vào tay những đối thủ Hàn Quốc và Trung Quốc thì các chuken kigyo Nhật Bản vẫn đang tiếp tục thống trị nhiều lĩnh vực chuyên biệt của ngành công nghiệp chế tạo toàn cầu nhờ thấm nhuần triết lý monozukuri (là sự kết hợp của từ ‘mono’ trong tiếng Nhật, mang nghĩa là đồ vật, và ‘zukuri’ chỉ hành động làm ra chúng). Nhưng monozukuri không chỉ tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, nó còn bao hàm cả sự bền vững và hài hòa với môi trường xung quanh. Ông Hideaki Imaie – Chủ tịch kiêm CEO của hãng Sansho MEC chuyên sản xuất linh kiện xe hơi – cho biết: “Ô–tô thường được xem là ngành công nghiệp nổi tiếng nhất, biểu tượng của đất nước Nhật Bản như là một quốc gia chuyên sản xuất những mặt hàng chất lượng cao thông qua các quy trình đặc biệt. Nhưng khi nói về ngành công nghiệp ô–tô, bên cạnh những chiếc xe thành phẩm (end-product) còn có cả các bộ phận cần thiết để sản xuất ra chúng. Những chi tiết này cần phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn chất lượng cao và chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo điều đó.” Sẽ chẳng ai muốn mua một chiếc xe thời thượng nhưng lại không thể vận hành trơn tru chỉ vì thiếu đi một chi tiết nhỏ có giá vài xu cho đến vài USD. Nói vậy để thấy rằng sức mạnh thực ra lại tới từ những thứ tưởng chừng hết sức nhỏ bé.
Cỗ máy kiểm tra sai số của khuôn EUV đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp chế tạo chip do Lasertec chế tạo.
Khi được hỏi về nhân tố nào đã tạo nên sự thành công của các chuken kigyo Nhật Bản, phần lớn những nhà quản lý đều nhất trí rằng đó là nhờ vào đẳng cấp của khách hàng mà họ phục vụ. Điều này hoàn toàn có lý bởi chỉ các khách hàng đẳng cấp mới luôn đưa ra những đòi hỏi khắt khe, buộc nhà cung cấp vì thế cũng phải tự nâng tầm một cách tương xứng. Như một chuyên gia bán dẫn từ NEC Electronics cho biết: linh kiện điện tử do các nhà sản xuất Nhật cung cấp luôn được tín nhiệm nhờ sở hữu chất lượng và độ tin cậy cao. Chúng ta có thể nhận thấy một số điểm tương đồng nhất định ở những chuken kigyo này: Thứ nhất, họ đầu tư rất nhiều vào R&D; Thứ hai, cho dù đã mở rộng sản xuất ở nước ngoài nhưng họ sẽ luôn tự mình thực hiện các công đoạn then chốt mang giá trị cốt lõi ở trong nước; Thứ ba, họ thường tự xây dựng chuỗi cung ứng riêng, thậm chí tự chế tạo máy công cụ phục vụ quá trình sản xuất; và Thứ tư, họ rất biết cách cá biệt hóa sản phẩm của mình – tất cả đều vì mục đích cắt giảm chi phí và tránh bị phụ thuộc vào những nhà cung cấp khác (nhất là nước ngoài), đồng thời để nắm bắt trọn vẹn know-how.
Thời gian qua, Nhật Bản phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực vốn đang rất nỗ lực nhằm bắt kịp hoặc sao chép thành công tiêu chuẩn sản xuất của nước này. Nhưng mặc dù có thể qua mặt Nhật về sản lượng và giá cả (rẻ hơn) thì những tay chơi này vẫn khó lòng nắm bắt được hết bản chất của triết lý monozukuri. Trong cuộc chiến cắt giảm chi phí, chẳng hạn bằng cách tăng cường tự động hóa và áp dụng nhiều tiêu chuẩn quản lý mới, các sản phẩm của những chuken kigyo Nhật Bản vẫn luôn đạt được chất lượng vượt trội, giúp khẳng định giá trị của thương hiệu “Made in Japan”.
Tham khảo
1. Chuken kigyo: The secret of Japan’s manufacturing success. Link: https://www.pressreader.com/uk/newsweek-international/20201218/282458531539107
2. Invisible but indispensable, The Economist. Link: https://www.economist.com/briefing/2009/11/05/invisible-but-indispensable
Hải Đăng
Nguồn: https://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/ceo-deepmind-tin-ai-cua-google-se-danh-bai-chatgpt/2023062805355839p1c859.htm