1. Tập đoàn Samsung

Bên ngoài trụ sở chính của Samsung tại Seoul

Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới là chaebol (tập đoàn kinh tế tư nhân) nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. Tập đoàn Samsung bao gồm 67 công ty con lớn nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ bán lẻ đến khách sạn, bệnh viện, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng và đóng tàu.

Lee Kun Hee, 73 tuổi, Chủ tịch của Samsung là người giàu nhất xứ sở kim chi với tài sản trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Báo cáo cho biết, năm 2013 tập đoàn này đã đóng góp 17% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc.

Samsung từng rơi vào một vụ bê bối tham nhũng lớn năm 2007. Một cựu luật sư của Samsung đã tố cáo nhiều lãnh đạo hàng đầu của tập đoàn này có một quỹ đen nhằm mục đích hối lộ các chính khách, các nhà hành pháp và các quan chức.

Một số quan chức cấp cao của tập đoàn đã bị truy tố. Chính Chủ tịch Samsung cũng buộc phải từ chức năm 2008, bị kết án 3 năm tù treo và nộp phạt 100 triệu USD vì tội trốn thuế và gây thiệt hại đến lợi ích của các cổ đông.

Một năm sau, ông được chính Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak ký lệnh ân xá. Việc làm này đã dấy lên dư luận rằng Samsung là 'bất khả xâm phạm' vì nắm giữ quyền lực kinh doanh quá lớn.

2. Hyundai Group

Một nhân viên của Hyundai Motor. Ảnh: AFP

Nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới, Hyundai là chaebol lớn thứ 2 tại Hàn Quốc. Tập đoàn này cũng hoạt động mạnh trong các lĩnh vực xây dựng, bán lẻ và bảo hiểm.

Hyundai có xuất phát điểm là một công ty xây dựng nhỏ được sáng lập vào năm 1946 bởi ông Chung Ju Yung - một người được sinh ra tại Triều Tiên nhưng trốn sang Hàn Quốc.

Dưới áp lực từ nợ nần và cuộc cải cách của Tổng thống Kim Dae Jung, Hyundai được chia thành các công ty nhỏ: Hyundai Motor đứng đầu là người con trai thứ 2 Mong Koo; Hyundai Department Store Group đứng đầu là người con trai thứ 3 Mong Kun; Hyundai Group (người con trai thứ 5 Mong Hun); Hyundai Heavy Industries (người con trai thứ 6 Mong Joon); Hyundai Marine & Life Insurance (con trai thứ 7 Mong Yoon), và Hyundai Finance Corp (con trai thứ 8 Mong Il).

Con trai cả Mong Pil qua đời trong một tai nạn xe hơi vào năm 1982 và con trai thứ 4 Mong Woo đã tự tử vào năm 1990.

Nhà sáng lập Chung đã chọn người con trai thứ 5 Mong Hun là người kế nhiệm vào năm 2000, nhưng Mong Hun tự sát vào năm 2003 trong bối cảnh ông đang bị cáo buộc lấy tiền bất hợp pháp hỗ trợ cho chính sách Ánh dương của Tổng thống Kim.

Hyundai Group, tập trung vào sản xuất thang máy, dịch vụ hậu cần, tài chính, xây dựng và công nghệ thông tin được điều hành bởi vợ của ông Mong Hun là bà Hyun Jeong Eun.

Tuy nhiên, những cuộc tranh giành trong gia đình họ Chung vẫn tiếp tục diễn ra.

Năm 2010, bà Hyun và anh chồng Mong Koo đã cạnh tranh để giành quyền tiếp quản công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc, Hyundai Engineering & Construction.

3. SK Group

Tập đoàn SK sở hữu hãng viễn thông lớn nhất Hàn Quốc. Ảnh: Chang May Choon

Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc là SK Group, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới. Tập đoàn này sở hữu hãng viễn thông lớn nhất Hàn Quốc là SK Telecom. Các ngành kinh doanh quan trọng khác của hãng bao gồm hóa dầu và xây dựng.

SK ban đầu là một công ty dệt may, được sáng lập bởi ông Chey Jong Kun năm 1953, sau đó chuyển giao cho người em trai Jong Hyun. Ông Jong Hyun đã thực hiện các chính sách phát triển mạnh mẽ trong những năm 1970.

Sau đó, con trai cả của Jong Huyn là Tae Won, người đã kết hôn với con gái một cựu Tổng thống trở thành Chủ tịch của chaebol này.

Hiện nay, ông Tae Won đang ở trong tù vì tội biển thủ gần 50 tỷ won (59,5 triệu USD), nhưng điều đó không ngăn được người đàn ông 54 tuổi này nắm giữ quyền kiểm soát tập đoàn của mình.

Án bốn năm tù giam của Tae Won sẽ kết thúc vào tháng 9 năm 2017 nhưng ông vẫn được luật sư chuyển cho tài liệu để đưa ra các quyết định quan trọng.

Em trai của ông, Jea Won, Phó Chủ tịch của Tập đoàn SK cũng bị kết tội thông đồng.

Một vụ việc khác cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của gia đình này. Người anh em họ Chul Won, cựu Giám đốc điều hành SK - trực thuộc công ty logistics M&M Corp đã bị phạt 18 tháng tù sau khi tấn công một người bằng gậy bóng chày.

4. Hanwha Group

Hanwha Group cũng nằm trong Top 10 chaebol lớn nhất Hàn Quốc. Lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn này là bảo hiểm, xây dựng, hóa dầu và vật liệu nổ. Hanwha cũng sở hữu tòa nhà cao nhất Hàn Quốc.

Hanwha Group được thành lập vào năm 1952 bởi ông Kim Jong Hee. Sau khi ông Jong Hee mất, con trai của ông là Seung Youn đã tiếp quan tập đoàn ở tuổi 29.

Năm 2012, ông Seung Youn bị bắt vì tội biển thủ gần 300 tỷ won của Hanwha. Ông cũng phải nộp phạt số tiền 5,1 tỷ won.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ông Seung Youn vi phạm pháp luật. Năm 1993, ông từng bị bắt vì vi phạm luật kiểm soát ngoại tệ. Năm 2004, ông tiếp tục bị buộc tội hối lộ.

Năm 2007. ông Seung Youn đã bỏ tiền thuê đầu gấu đánh đập các nhân viên quán bar nhằm trả thù cho con trai bị họ tấn công trước đó.

Trong cả 3 trường hợp này, ông Seung Youn đều không phải ngồi tù. Nhưng với vụ biển thủ công quỹ năm 2012, thẩm phán đã kết án Seung Youn 4 năm tù.

5. Hanjin group

Bà Heather Cho, cựu phó chủ tịch Korean Air (ở giữa) trong ngày được trả tự do. Ảnh: Reuters

Cũng nằm trong top 10 chaebol, Tập đoàn Hanjin điều hành hãng hàng không Korean Air và một công ty vận tải biển lớn.

Hanjin Group xuất phát điểm là một công ty vận tải được thành lập vào năm 1945 bởi ông Cho Choong Hoon, người từng làm thủy thủ. Con trai của ông Yang Ho hiện nay là Chủ tịch Tập đoàn.

Cuối tháng 12 năm 2014, con gái của ông Yang Ho là Heather Cho, 40 tuổi, Phó Chủ tịch của Korean Air đãra lệnh đuổi tiếp viên trưởng khỏi chuyến bay từ Mỹ về Hàn Quốc sau khi một tiếp viên phục vụ cho bà hạt mắc ca trong gói thay vì đổ ra đĩa. Chiếc máy bay chở hơn 200 người và sắp cất cánh đã buộc phải quay lại cổng và hạ cánh trễ 11 phút so với dự kiến.

Bà bị kết án 1 năm tù vì vi phạm luật về an toàn hàng không, nhưng được trả tự do vào tháng 5 vừa qua sau khi kháng cáo thành công.

Theo Linh Lam

NDH